TỪ VỤ “TỬ TÙ HỒ DUY HẢI” Ở VIỆT NAM NHÌN VỀ VỤ “CẬU BÉ GEORGE JUNIUS” VÀ “PHIÊN TÒA THẾ KỶ O. J. SIMPSON” CỦA NƯỚC MỸ – BẢO VỆ NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA THỦ TỤC TỐ TỤNG HÌNH SỰ

Đối với một vụ án hình sự có được kết tội bị cáo (luật nội dung) khi có sự vi phạm thủ tục trong quá trình điều tra, xét xử (luật hình thức) hay không?Tại Việt Nam dư luận và những người làm trong hệ thống tư pháp đang đặc biệt quan tâm tới vụ án của tử tù Hồ Duy Hải. Trong vụ án này, các cấp tòa án của Việt Nam đều tuyên bị cáo Hải có tội và bị tử hình khi mà quá trình điều tra, truy tố xảy ra nhiều sai phạm về thủ tục, các chứng cứ kết luận khá mơ hồ và không thu thập được chứng cứ, hung khí trực tiếp. Với câu kết luận của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao gây nhiều phản ứng: “Tuy có sai sót trong quá trình điều tra, tố tụng, nhưng không làm thay đổi bản chất vụ án“.Xung quanh vụ án này đã có nhiều phân tích của giới học thuật, luật sư cho đến người thi hành pháp luật trong cơ quan nhà nước. Thế nên tác giả không có ý định phân tích thêm đối với vụ án này. Tuy nhiên vụ tranh cãi xoay quanh vấn đề có được kết tội bị cáo (luật nội dung) khi có sự vi phạm thủ tục trong quá trình điều tra, xét xử (luật hình thức) hay không?. Thế nên việc tìm hiểu những vụ án tương tự ở nước khác sẽ cho ta thêm những góc nhìn, kinh nghiệm và bài học quý giá.Trong quá trình tìm hiểu vụ án này, tác giả biết đến hai vụ án hình sự ở Mỹ có những tình tiết, vấn đề tương tự vụ án Hồ Duy Hải như: mỗi vụ đều có 2 người bị giết; có những vấn đề vi phạm thủ tục của việc điều tra, kết án; đã có những bằng chứng chống lại bị can nhưng khá mơ hồ hoặc được thu thập không đúng…Đó là vụ cậu bé George Junius vào năm 1944 vụ Vụ án giết người O. J. Simpson năm 1994. Mặc dù kết cục của hai bị cáo trong hai vụ án này là khác nhau, nhưng sau cùng, hệ thống tòa án của nước Mỹ đã ban hành những phán quyết tương đối giống nhau để khắc phục lại sai lầm trước đây. Qua đó cho thấy trải qua thời gian thì vị trí ngày càng quan trọng của luật tố tụng trong hệ thống tư pháp và sự hoàn thiện, nhất quán trong quan điểm xử lý của các thẩm phán, bồi thẩm đoàn ở Hoa Kỳ.1. Cậu Bé George Junius ở Nước Mỹ Năm 1944 – Bản Án Khắc Phục Muộn MàngGeorge Junius Stinney Jr. (21/10/1929 – 16/6/1944), là một thiếu niên người Mỹ Gốc Phi bị kết án sai về tội giết hai bé gái da trắng vào năm 1944 tại Nam Carolina. Cậu bé bị hành quyết vào tháng 6 cùng năm, khi mới chỉ 14 tuổi. Kháng cáo xin khoan hồng của cậu bé với thống đốc đã bị từ chối. Cậu bé là một trong những người nhỏ tuổi nhất ở Hoa Kỳ trong thế kỷ 20 bị kết án tử hình và bị hành quyết. Bản án của cậu đã được tuyên vô hiệu vào năm 2014, khi một tòa án ra phán quyết tuyên bố rằng cậu bé đã không được xét xử công bằng.Diễn biếnGeorge Stinney bị bắt vì bị tình nghi giết chết hai cô gái da trắng vào tháng 3 năm 1944, sau khi hai nạn nhân không trở về nhà vào đêm trước đó. Các cô gái đã bị đánh với một vũ khí, được báo cáo với các phiên bản khác nhau như một mảnh kim loại cùn hoặc một cái đinh tán dùng để đóng đường ray. Cơ quan cảnh sát nói rằng cậu bé đã thú nhận tội ác với họ, mặc dù không có biên bản nào về lời thú tội của cậu bé, ngoại trừ các ghi chú được cung cấp bởi một nhân viên điều tra.Bố mẹ cậu không gặp lại George lần nào trước phiên tòa. Cậu không có được sự hỗ trợ nào trong suốt 81 ngày giam giữ và xét xử. Stinney đã bị thẩm vấn một mình mà không có cha mẹ hoặc luật sư. Mặc dù Tu Chính Án VI bảo đảm quyền được tư vấn pháp lý, điều này không được đảm bảo cho đến năm 1963. Toàn bộ tiến trình xét xử chống lại Stinney, bao gồm cả lựa chọn bồi thẩm đoàn, chỉ diễn ra trong vòng một ngày. Phiên tòa của Stinney có một bồi thẩm đoàn hoàn toàn là người da trắng, là điển hình vào thời điểm đó. Vì hầu hết người da đen vẫn bị tước quyền công dân và bị cấm bỏ phiếu, họ không thể được chọn làm bồi thẩm. Cố vấn biện hộ của Stinney do tòa án chỉ định là Charles Plowden, một ủy viên thuế vận động bầu cử cho văn phòng chính trị địa phương. Plowden không khước từ ba viên chức cảnh sát đã làm chứng rằng Stinney thú tội với hai vụ giết người, mặc dù đây là bằng chứng duy nhất chống lại cậu bé.Có đến hai giả định về tình huống giết người của cậu bé. một phiên bản Stinney bị các cô gái tấn công sau khi cậu cố gắng giúp đỡ một cô gái bị rơi xuống mương, và cậu đã giết họ để tự vệ. Trong phiên bản khác, cậu đã theo dõi các cô gái, đầu tiên tấn công Mary Emma và sau đó là Betty June. Không có bằng chứng vật lý nào liên kết cậu với vụ giết người.Khác với lời khai của ba viên chức cảnh sát, tại phiên tòa, các công tố viên xét xử gọi ba nhân chứng: Mục sư Francis Batson, người đã tìm thấy thi thể của hai cô gái, và hai bác sĩ đã thực hiện cuộc khám nghiệm tử thi. Những lời thú tội mâu thuẫn nhau được ghi lại là đã được cung cấp bởi công tố viên. Tòa án cho phép thảo luận về “khả năng” hãm hiếp mặc dù báo cáo của giám định y khoa không có bằng chứng để hỗ trợ điều này. Cố vấn của Stinney đã không cho gọi bất kỳ nhân chứng nào, không kiểm tra chéo nhân chứng, và chỉ đề nghị sự bảo vệ hạn chế hoặc không có.Phần trình bày của phiên tòa kéo dài hai tiếng rưỡi. Ban Hội thẩm mất mười phút để họp quyết định, sau đó họ trở lại với một phán quyết có tội. Thẩm phán Philip H. Stoll kết án tử hình Stinney bằng ghế điện. Không có bản ghi chép nào của phiên tòa. Không có kháng cáo nào được nộp.Tái mở lại vụ án và tuyên vô hiệu vô hiệu bản án.Năm 2004, George Frierson một sử gia địa phương và các luật sư đã nghiên cứu lại vụ án và tìm thấy các nhân chứng và bằng chứng để hỗ trợ cho việc giải oan cho Stinney. Họ đã nộp một bản tóm tắt lên tòa án vào năm 2014.Bằng chứng mới trong phiên điều trần của tòa án vào tháng 1 năm 2014 bao gồm lời khai của các anh chị em của Stinney rằng anh ta đã ở cùng họ tại thời điểm vụ giết người. Ngoài ra, một bản khai tuyên thệ được giới thiệu từ “Mục sư Francis Batson, người đã tìm thấy các cô gái và kéo họ ra khỏi cái mương đầy nước. Trong bản tường thuật của mình, ông nhớ lại không có nhiều máu trong hoặc xung quanh mương, cho thấy rằng họ có thể bị giết ở nơi khác và được di chuyển đến.” Wilford “Johnny” Hunter, người ở trong tù với Stinney, làm chứng rằng thiếu niên này nói với anh ta rằng cậu đã bị bắt phải thú tội và luôn bảo vệ quan điểm vô tội của mình.Thay vì phê chuẩn một phiên tòa mới, vào ngày 17 tháng 12 năm 2014, thẩm phán Tòa Phúc thẩm Carmen Mullen đã tuyên vô hiệu bản án của Stinney. Bà đã phán quyết rằng cậu bé đã không được xét xử công bằng, vì cậu bé không được có biện pháp bảo vệ hiệu quả và quyền theo Tu chính án VI của cậu đã bị vi phạm. Thẩm phán Mullen phán quyết rằng lời thú tội của Stinney có thể bị ép buộc và do đó là không thể chấp nhận. Bà cũng thấy rằng việc thực thi một đứa trẻ 14 tuổi đã hình thành “sự trừng phạt tàn nhẫn và bất thường”, và luật sư của cậu “đã không gọi những người làm chứng chứng minh vô tội hay bảo vệ quyền kháng cáo của cậu bé”. Mullen đã giới hạn phán quyết của mình cho quá trình truy tố, lưu ý rằng Stinney “có thể đã phạm tội này.” Với sự tham khảo quy trình pháp lý, Mullen đã viết, “Không ai có thể bào chữa cho một đứa trẻ 14 tuổi bị buộc tội, truy tố, kết án và hành quyết trong khoảng 80 ngày”, kết luận rằng “Về bản chất, không nhiều điều được thực hiện cho đứa trẻ này khi cuộc sống của cậu nằm trong sự toan tính gian dối”.Đúc kết:Như vậy qua câu chuyện của cậu bé George Stinney và việc tuyên vô hiệu bản án của Stinney 70 năm sau chúng ta có thể thấy rằng: việc tuyên vô hiệu bản án không đồng nghĩa khẳng định cậu bé không thực hiện hành vi phạm tội. Nhưng việc cậu bé đã không được xét xử công bằng theo Tu chính án VI và việc luật sư cho cậu bé không thực hiện những biện pháp cần thiết chứng để chứng minh vô tội hay bảo vệ quyền kháng cáo của cậu bé, cùng với việc buộc tội, tuy tố, kết án một cậu bé trong vòng 80 ngày là không thể chấp nhận. Do đó việc kết tội dựa trên quy trình như vậy thì không thể có hiệu lực.Mặc dù việc xem xét lại vụ án tuy đã muộn màng khi mà cậu bé đã bị tử hình từ lâu, nhưng khi hệ thống tư pháp nhận ra sự sai lầm và khi nhận thức về quy trình tố tụng đã được cải thiện theo hướng cầu toàn hơn thì việc tuyên bố, sửa chữa sai lầm là điều cần thiết.

2. O. J. Simpson: Phiên tòa thế kỉ và sự khẳng định tầm quan trọng của thủ tục tố tụng

Vụ án giết người O. J. Simpson là một vụ xử án tội phạm hình sự diễn ra tại Tòa án Thượng thẩm quận Los Angeles, trong đó cựu ngôi sao của Liên đoàn bóng bầu dục quốc gia kiêm diễn viên O. J. Simpson đã bị xét xử về hai tội danh vì đã gây ra cái chết của người vợ cũ của mình ngày 12 tháng 6 năm 1994, Nicole Brown Simpson, và người phục vụ Ronald Lyle Goldman. Phiên tòa hình sự với một phán quyết vào tháng 3 năm 1995, với kết quả Simpson đã được tuyên trắng án. Brown và gia đình Goldman sau đó đã khởi kiện dân sự chống lại Simpson, và vào tháng 4, năm 1997, bồi thẩm đoàn lại tuyên Simpson “chịu trách nhiệm” cho hai cái chết của hai người này và phải bồi thường 33,5 triệu USD.Vụ án thế kỷGần nửa đêm 12-6-1994, tại căn nhà số 875 đường Bundy, thành phố Brentwood, phát hiện một vụ án mạng. Nicole Brown, chủ căn nhà và bạn trai là Ronald L. Goldman bị sát hại bằng dao. Sau một hồi thảo luận và nhanh chóng xác định các mối quan hệ, điều tra viên quyết định tìm gặp chồng cũ của Nicole Brown là O. J. Simpson, người sống cách đó khoảng 3km, tương đương 5 phút lái xe. Cảnh sát cho rằng Simpson có thể có liên quan tới vụ án.Orenthal James Simpson, được biết đến với biệt danh O. J. Simpson, đối với giới hâm mộ bóng bầu dục được ví như Pele hay Maradona trong giới hâm mộ bóng đá và là một triệu phú sau khi giải nghệ. Năm 1985, sau khi ly dị người vợ đầu, Simpson kết hôn với Nicole Brown, một cô gái da trắng tóc vàng xinh đẹp. Năm 1992, hai người ly dị. Nicole và hai đứa con dọn ra ở căn nhà trên đường Bundy, chỉ cách nhà Simpson vài trăm mét. Dù đã ly dị nhưng Simpson vẫn liên tục tỏ ra ghen tuông, và thậm chí còn đe dọa sẽ giết Nicole nếu thấy cô đi cùng một người đàn ông khác.Vào ngày xảy ra án mạng, Nicole rời nhà hàng lúc 9 giờ tối. Sau khi về đến nhà, Nicole gọi điện đến nhà hàng vì mẹ cô để quên cặp kính. Goldman, một người cô từng quen vài tháng trước đó và hiện đang làm phục vụ bàn tại đây, hứa sẽ ghé nhà Nicole để đưa lại. Sau giờ làm việc, Goldman về nhà thay quần áo rồi anh lái xe đến nhà Nicole vào khoảng 10 giờ tối. Goldman cao 1.8m, khỏe mạnh, có cơ bắp và biết võ thuật. Theo cảnh sát, Goldman bị sát hại bởi một người cao lớn và khỏe mạnh hơn.Những gì diễn ra sau đó là một cuộc điều tra quy mô kéo dài, một phiên tòa được mệnh danh là “thế kỷ” với số lượng các bằng chứng, các lời khai nhân chứng, các cuộc tranh luận gay gắt, và đặc biệt là sự thu hút đối với dư luận bởi không chỉ lý do Simpson là một người nổi tiếng, mà còn bởi những khúc mắc và nhạy cảm trong vấn đề màu da sắc tộc. Phiên tòa kéo dài 9 tháng, mức án phí lên tới 20 triệu USD, với bộ hồ sơ dày 50.000 trang. Khoảng 150 nhân chứng đã được gọi ra trước tòa. 19 đài truyền hình, gần 10 đài phát thanh, hàng chục tờ báo và 2.000 ký giả đã theo dõi và tường trình trực tiếp diễn biến vụ án. Chỉ riêng tờ Los Angeles Times đã đăng hơn 1.000 bài viết về vụ án này. Hơn 120 máy quay phim được đặt trong phòng xử án suốt phiên tòa. Một cuộc nghiên cứu cho thấy ngành công nghiệp Mỹ đã thiệt hại 25 tỷ USD vì người lao động lơ là công việc khi theo dõi những diễn biến đến nghẹt thở của “phiên tòa thế kỷ”.Gay cấn việc buộc tội và gỡ tộiTheo cáo trạng, Simpson là một người mất thăng bằng sau khi ly dị Nicole, vẫn tiếp tục ghen tuông và quyết định giết vợ cũ để trả thù. Ronald Goldman chỉ là một người có mặt không đúng lúc và không đúng thời điểm. Vụ án mạng xảy ra vào khoảng 10 giờ 15 phút đêm 12-6-1994, vào thời điểm mà Simpson và vài người bạn đã chia tay sau khi mua thức ăn về nhà.Simpson sau khi thực hiện tội ác đã trở về nhà và nhanh chóng ra sân bay để tới Chicago. Có nhiều vết máu ở nhà Simpson và trên chiếc xe Bronco. Trên chiếc mũ len của Nicole có một sợi tóc của Simspon. Ðôi tất trong nhà Simpson có vết máu của Nicole. Trên ngón tay Simpson có một vết cắt. Một chiếc găng tay được tìm thấy trong vườn Simpson, cùng cặp với chiếc tìm thấy ở gần xác Nicole. Và còn rất nhiều bằng chứng khác đủ để kết tội Simpson.Trong khi đó, Simpson thuê một nhóm luật sư bảo vệ có tiếng tăm. Luật sư trưởng nhóm là Johnie Cochran đã đưa ra lời biện hộ khác. Simpson đã chấp nhận cuộc ly dị, và tỏ ra thân thiện trong buổi trình diễn của con mình. Simpson không có mặt ở nhà Nicole trong đêm đó mà tập chơi golf trong vườn nhà mình. Simpson sau đó vào nhà tắm rửa và ra sân bay đến Chicago theo kế hoạch đã định trước. Luật sư Cochran cho rằng cảnh sát đã lờ đi hai nhân chứng quan trọng.Một người là chủ tiệm vàng Mary Gerchas, người nói rằng đã thấy bốn người đàn ông chạy từ nhà của Nicole ra trong đêm án mạng và tẩu thoát trên một chiếc xe không có biển. Một người khác là Rosa Lopez, giúp việc cho nhà hàng xóm của Simpson. Người này nói đã thấy xe Simpson đậu ở nhà vào thời điểm xảy ra án mạng (tuy nhiên hai nhân chứng này sau đó đã không được phe biện hộ mời ra làm chứng).Trọng tâm chính của bản biện hộ xoáy vào sự hấp tấp của các công tố viên, những người bị chỉ trích là đã “vội vàng kết tội và quyết phải thắng bằng mọi giá”. Một chuyên viên về hóa chất xác định rằng các vết máu tìm thấy trên đôi tất của Simpson và ở cổng sau nhà Nicole có chứa chất EDTA (chất dùng để bảo quản máu), một chi tiết đáng chú ý vì máu rút từ người Simpson đã được hòa với chất EDTA trước khi đưa đi xét nghiệm.Bên biện hộ cho rằng cảnh sát đã dùng máu này để tạo hiện trường giả. Hơn nữa chuyên viên lấy máu nói rằng anh ta đã rút khoảng 8cc máu từ người Simpson, nhưng các chuyên viên xét nghiệm nói rằng họ nhận được khoảng 6,5cc, và lượng máu hao hụt này đã được dùng để làm gì?Bên công tố phản bác rằng chất EDTA vốn có sẵn trong máu người, và cũng có sẵn trong bột giặt và sơn, đó là lý do tại sao có chất này ở trên đôi tất và cổng nhà Nicole. Tuy nhiên, sau những màn tranh luận gay cấn, ngày 3-10-1995, Simpson được tuyên vô tội. Vụ án kết thúc mà không có bất kỳ bị cáo nào phải ngồi tù.Tới năm 1997, theo đơn kiện của gia đình các nạn nhân, tòa án dân sự bang California tuyên bố đã tìm ra bằng chứng cho thấy Simpson có trách nhiệm trong cái chết của Nicole và Goldman, yêu cầu phải trả 33,5 triệu USD tiền bồi thường. Tuy nhiên, gia đình của các nạn nhân hầu như không nhận được bất kỳ số tiền nào do Simpson đã phá sản, nợ tiền luật sư và phải cầm cố cả dinh thự ở Rockingham để trả án phí khổng lồ.Cuối tháng 11-2014, Simpson lại phải hầu tòa vì tội cướp có vũ trang. Công tố viên cho biết Simpson đã cùng 5 tòng phạm dùng súng để cướp những kỷ vật từ tay hai thương gia. Ba bị cáo Walter Alexander, Charles Cashmore và Michael McClinton đã nhận tội. Alexander và McClinton đã khai trước tòa là O.J. Simpson bảo họ mang súng tới khách sạn Palace Station để đe dọa hai Fromong và Beardsley.Trong khi đó, luật sư biện hộ nói rằng thân chủ của họ tới khách sạn chỉ để lấy lại những vật sở hữu bị đánh cắp và không mang theo súng. Tuy nhiên vấn đề khiến người ta lưu tâm ở đây là những thứ mà Simpson muốn cướp lại có liên quan đến vụ án mạng năm 1994, vì vậy dư luận khi đó đã đặt câu hỏi về mối liên hệ và những tình tiết có thể còn chưa được hé lộ về cái đêm xảy ra vụ án.Điều đúc kết:Trải qua thời gian từ phiên tòa của cậu bé cậu bé George Junius vào năm 1944 cho tới phiên tòa của Simpson năm 1994 đã cho thấy được sự thay đổi nhận thức, quan điểm lớn của các thẩm phán, bồi thẩm đoàn nước Mỹ. Nếu như vào năm 1944, với những chứng cứ mơ hồ, rất yếu và tồn tại những vi phạm trong quá trình điều tra, truy tố đối với bị cáo nhưng tòa án vẫn có thể kết tội, ngay cả với một cậu bé. Thì tới năm 1994 với việc tuyên bố Simpson vô tội, tòa án Hoa Kỳ đã khẳng định rằng nếu các chứng cứ để chống lại bị cáo chưa đủ vững chắc và việc thu thập các chứng cứ có sự vi phạm của cơ quan tố tụng thì tòa án không thể kết tội bị cáo. Đồng thời việc truy tố, xét xử theo thời gian cũng được cẩn trọng và coi trọng hơn. Nếu như vào năm 1944 việc truy tố, xét xử có thể diễn ra chỉ trong vòng 81 ngày thì đến năm 1994 chỉ riêng việc xét xử đã diễn ra trong 9 tháng. Đồng thời phiên tòa cũng diễn ra công khai với rất nhiều cơ quan báo chí, truyền thông tham dự và đưa tin.Nếu đọc diễn biến vụ việc giết người và hành động cướp sau này của Simpson, chúng ta đều có “niềm tin nội tâm” và nhận định rằng Simpson chính là thủ phạm trên thực tế. Có lẽ bồi thẩm đoàn cũng có niềm tin về điều này. Bản án dân sự sau đó vào năm 1997 tòa án cũng đã tuyên Simpson “chịu trách nhiệm” về mặt dân sự và phải bồi thường 33,5 triệu USD cho các nạn nhân. Nhưng về mặt chịu trách nhiệm hình sự, họ vẫn ra phán quyết vô tội cho Simpson. Điều này cho thấy qua thời gian và ngày nay, trong quan điểm xét xử của tòa án Mỹ, những nguyên tắc về luật tố tụng và việc tuân thủ thủ tục tố tụng chiếm vị trí hàng đầu và ngày càng được coi trọng. Việc vi phạm về tố tụng và thu thập chứng cứ sẽ dẫn đến không thể kết luận về nội dung hoặc phải tuyên bị cáo vô tội. Trải qua thời gian, các giá trị và nguyên tắc đã được quy định trong Hiến pháp và Tu chánh án được bảo vệ bởi các bản án, phán quyết như trên của tòa án Hoa Kỳ. (Ls Phan Thanh Lam )

Nguồn tham khảo:- https://vi.wikipedia.org/wiki/George_Stinneyhttps://vi.wikipedia.org/wiki/V%E1%BB%A5_%C3%A1n_gi%E1%BA%BFt_ng%C6%B0%E1%BB%9Di_O._J._Simpsonhttp://antg.cand.com.vn/Ho-so-Interpol/O-J-Simpson-Phien-toa-the-ki-va-cuoc-song-hien-tai-530487/)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *